Chúng ta cầu Giác, cầu Chánh, cầu Tâm Thanh Tịnh, tức là giác tâm, chánh tâm, thanh tịnh tâm, ba môn này đều có thể nhập đạo; nhưng Tịnh Độ Tông chú trọng tâm thanh tịnh, câu Phật hiệu (A Di Đà Phật) phải như thế nào thì mới đắc lực? Phải niệm đến khi cái tâm thanh tịnh của chính mình hiện ra, Phật hiệu mới đắc lực. Tuy chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, nhưng tâm chẳng thanh tịnh là không được rồi! Niệm Phật như vậy quả báo là phước báo nhân thiên hữu lậu, chẳng thể vãng sanh. Hưởng phước trong nhân gian là một chuyện nguy hiểm nhất, vì sao? Hễ hưởng phước thường bị mê hoặc, chẳng còn chịu tiếp tục nỗ lực tu, hưởng hết phước báo, nghiệp chướng hiện tiền, phải đọa trong tam ác đạo. Phật môn thường gọi điều này là “tam thế oán”, nghĩa là đời thứ nhất tu phước, đời thứ hai hưởng phước, đời thứ ba đọa lạc. Lúc hưởng phước sẽ tạo tội nghiệp; vì thế, phước chẳng còn nữa, tội nghiệp hiện tiền, nhất định đọa lạc.
Do vậy, chúng ta phải biết niệm Phật như thế nào, công phu niệm Phật ở nơi khởi tâm động niệm. Ý niệm vừa dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành Phật hiệu (A Di Đà Phật), quyết định chẳng để ý niệm tiếp tục tăng trưởng. Không chỉ ác niệm chớ nên tiếp tục tăng trưởng, mà thiện niệm cũng chớ nên, vì sao? Ác niệm tiếp tục tăng trưởng, quả báo nhất định là trong tam đồ, tức địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Tâm sân hận nặng nề, tâm ganh ghét nặng nề, nhất định đọa địa ngục, bản thân chúng ta phải giác ngộ điều này. Tương lai chúng ta sẽ đi về đâu, chính mình hiểu rõ ràng, minh bạch! Tâm keo tham nặng nề, đời sau là ngạ quỷ đạo. Tà chánh, thị phi, thiện ác chẳng rõ, đời sau là súc sanh đạo, ngu si mà! Không chỉ ý niệm tam ác đạo dấy lên, chúng ta phải cảnh giác, ngay lập tức đổi thành A Di Đà Phật, mà ý niệm tam thiện đạo dấy lên, chúng ta cũng không cần, vì sao? Tam thiện đạo là thọ sanh trong nhân thiên, vẫn chẳng thể thoát khỏi tam giới, liễu sanh tử. Chúng ta chỉ có một mục tiêu, cầu sanh thế giới Cực Lạc, đó là đúng.
Mong cầu sanh về thế giới Cực Lạc, cầu bằng cách nào? Ngoại trừ không có ý niệm, hễ có niệm bèn niệm A Di Đà Phật, điều này rất trọng yếu, phải mong sao chẳng có ý niệm nào khác! Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ý niệm niệm Phật có thể là hai mươi giờ, tối thiểu cũng phải là mười lăm giờ, quyết định phải là hơn phân nửa, chúng ta mới có sức mạnh. Mỗi ngày ta niệm Phật mười hai giờ, tâm ta đặt nơi Phật hiệu; ngoài ra, mười hai giờ kia là dấy vọng tưởng. Nói cách khác, tỷ lệ thành công của quý vị là nửa nọ nửa kia, chẳng trông cậy được! Vì thế, nghĩ tới chỗ này, chúng ta chớ nên không khởi tâm cảnh giác, niệm Phật như vậy là ngộ nhập Phật lý. Chỉ cần quý vị một mực niệm, cũng không cần phải cầu khai ngộ, cũng không mong đạt nhất tâm! Điều gì cũng chớ nên cầu, cứ một mực niệm như vậy, quyết định niệm sao cho đoạn hết vọng niệm, sẽ thành công. Khi nào đắc Niệm Phật tam-muội? Khi nào đắc nhất tâm bất loạn? Khi nào minh tâm kiến tánh? Đến lúc đó, sẽ tự nhiên thành tựu, chẳng cần phải lo lắng. Vì chúng ta thường có ý niệm cầu nhất tâm bất loạn, cầu công phu thành phiến, đấy là chướng ngại, là vọng niệm, là xen tạp. Điều khẩn yếu trong pháp môn này là chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, ngay cả ý niệm cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng chẳng xen tạp, điều này rất trọng yếu.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Title : Vài điều khai ngộ về Niệm Phật của hòa thượng Tịnh Không
Description : Chúng ta cầu Giác, cầu Chánh, cầu Tâm Thanh Tịnh, tức là giác tâm, chánh tâm, thanh tịnh tâm, ba môn này đều có thể nhập đạo; nhưng Tịnh Độ ...
Description : Chúng ta cầu Giác, cầu Chánh, cầu Tâm Thanh Tịnh, tức là giác tâm, chánh tâm, thanh tịnh tâm, ba môn này đều có thể nhập đạo; nhưng Tịnh Độ ...