1. Ăn chay nhiều năm, mối oán kết sẽ được giảm bớt ít nhiều. Nhất là đã biết yêu thương, bảo vệ sanh mạng, không chỉ là ăn chay, mà còn thường xuyên phóng sanh, kết thiện duyên cùng chúng sanh. Khi chưa học Phật chẳng biết, không có ai dạy! Sau khi đã học Phật, bèn hiểu rõ, quyết định chẳng kết oán cừu với chúng sanh!
Chúng ta hãy ngẫm xem, trong giáo dục đạo đức, trong giáo dục nhân quả, trong giáo dục tôn giáo, đều có nói! Bản thân chúng ta phải có tín tâm, phải “quay đầu là bờ”, từ Thập Ác Nghiệp quay trở lại tu Thập Thiện Nghiệp (không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không tham, không sân, không si, không nói lời thô ác (không nói thô tục, chửi thề, chửi rủa mắng nhiếc...), không nói lời thêu dệt (không đâm thọc)), như vậy thì quý vị sẽ vĩnh viễn xa lìa hết thảy kinh sợ, quý vị mới có thể vĩnh viễn lìa khỏi, đúng như kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã nói “năng ly nhất thiết thế gian khổ” (có thể lìa hết thảy các nỗi khổ thế gian), nhất định phải nghiêm túc hành trì!
2. Không sát sanh, sẽ không kết oán cừu với hết thảy chúng sanh. Giết hại chúng sanh, chẳng biết đến nỗi oán hận của chúng sanh. Nỗi oán hận ấy sẽ là oan oan tương báo, chẳng hết, chẳng xong, đời đời kiếp kiếp! Quý vị nói xem, chuyện này đáng sợ lắm thay! Khi quý vị lấn hiếp kẻ khác, người ta sẽ báo cừu, đời này chẳng thể báo cừu, [sẽ đợi tới] đời sau!
Các đồng học học Phật đều biết, quý vị đều đã đọc Từ Bi Tam Muội Thủy Sám. Từ Bi Tam Muội Thủy Sám nói về chuyện của Ngộ Đạt quốc sư là người thời Đường. Ngài bị một mụt ghẻ mặt người, gần như mất mạng! Do đâu mà có mụt ghẻ mặt người ấy? Nguyên lai là trong mười đời trước, Ngài đã từng giết một người. Người ấy oán hận Ngài, cả mười đời đều theo sát bên Ngài. Nhưng đến đời thứ hai, Ngài xuất gia, tu hành rất khá, có thần hộ pháp bảo vệ. Mỗi đời tiếp theo, Ngài suốt mười đời trì giới tinh nghiêm, chẳng tạo ác nghiệp. Vì thế, cả mười đời chẳng mất thân người, lỗi lạc thay! Mười đời chẳng mất thân người, lại còn mười đời đều xuất gia, đều tu hành, tu hành rất khá. Đời thứ mười một, làm thầy của hoàng đế, tức quốc sư, vinh diệu tột bậc! Nhà vua biếu Ngài một tòa báu bằng trầm hương. Sau khi Ngài nhận lấy, hết sức hoan hỷ, dấy lên tâm ngạo mạn (ngạo mạn là phiền não, tham, sân, si, mạn), cảm thấy chính mình rất vinh diệu, người xuất gia trong thiên hạ chẳng có kẻ nào mà hòng sánh bằng Ngài! Vừa sanh ý niệm ấy, thần hộ pháp bỏ đi, oan gia tìm tới, đấy chính là [nguyên cớ nổi] mụt ghẻ mặt người, đến báo cừu mà! Khéo sao, Ngài tu hành mười đời, xác thực là chẳng uổng phí công phu, cảm động một vị Thánh A La Hán, tức tôn giả Ca Nặc Ca. Tôn giả Ca Nặc Ca điều giải cho Ngài, đối phương kể ra nhân duyên, “do nguyên nhân gì mà tìm đến ngươi”! Nay được tôn giả Ca Nặc Ca điều giải, người ấy cũng hoan hỷ tiếp nhận, lìa khỏi, ghẻ mặt người khỏi hẳn!
Do vậy, chư vị nên hiểu là những kẻ oán hận đời đời kiếp kiếp ở bên cạnh quý vị chờ đợi cơ hội. Khi quý vị có phước báo, họ chẳng dám đến quấy phá quý vị. Khi quý vị tu công tích đức, nhất định là có thiện thần che chở, họ chẳng có cơ hội. Nhưng quý vị dấy lên một niệm tham, sân, si, mạn, họ sẽ có cơ hội đến báo thù. Quý vị nói chuyện này có đáng kinh hãi lắm hay không? Đấy [mới chỉ] là người [đến báo thù]. Ngoài người ra là súc sanh. Súc sanh đều có linh tánh. Mỗi ngày quý vị giết chúng, ăn chúng, chúng nó có cam tâm tình nguyện cúng dường quý vị hay không? Nếu chẳng cam lòng, chẳng tình nguyện, quý vị phải nghĩ đến sau khi đã kết thành mối oán cừu ấy thì phải làm sao? Trong đời quá khứ, trong đời này, nói thật thà, kể từ trước khi chúng ta tiếp xúc Phật pháp, chúng ta đều ăn thịt, đều sát sanh. Trong đời này, kết mối oán cừu cùng những chúng sanh ấy, chẳng nghĩ thì không biết; hễ nghĩ đến, sẽ hết sức kinh hãi! Trong đời này, gặp gỡ khá nhiều chuyện chẳng vừa ý, gian nan, khốn khổ, cho đến bệnh tật là do đâu mà ra? Chính là vì từ chỗ này mà ra! Nghiệp nhân quả báo, chẳng sai suyển mảy may. Quý vị càng nghĩ, càng kinh hãi. Đấy mới là hoa báo, quả báo ở trong đời sau, đáng sợ quá! Làm thế nào để có thể lìa khỏi nỗi kinh sợ trong ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), nỗi kinh sợ trong tai nạn? Đức Phật dạy chúng ta quay đầu, quay đầu là bờ!
3. Kẻ bình phàm có một quan niệm sai lầm: “Ăn chay chẳng đủ dinh dưỡng, gây trở ngại cho sức khỏe”, toàn là dùng lý do này! Người học Phật tại Trung Hoa, bất luận tại gia hay xuất gia, đã gần hơn một ngàn năm qua, chuyện ăn chay tại Trung Hoa là do Lương Vũ Đế đề xướng. Thời gian ấy chẳng thể coi là ngắn, bao nhiêu người ăn chay nhiều năm như thế, người khỏe mạnh, sống lâu rất nhiều, quý vị có thể nói là “ăn chay thiếu dinh dưỡng” ư? Sau khi tôi đã hiểu đạo lý này, bèn nghiêm túc chọn lựa ăn chay. Sang năm, tôi đã ăn chay năm mươi lăm năm rồi! Tại khá nhiều nơi ở nước ngoài, hình tượng này đã độ chẳng ít người. Có nhiều người cùng tuổi với tôi, thậm chí nhỏ hơn tôi mấy tuổi, chúng tôi đứng chung một chỗ, tôi trông trẻ hơn họ, thân thể tôi khỏe mạnh hơn họ. Họ cũng rất hâm mộ: “Thưa pháp sư! Thầy dùng phương pháp gì để bảo dưỡng thân thể?” Họ chẳng hỏi chi khác, nhất định sẽ hỏi điều này! Ngay cả Tiến Sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản, khi chúng tôi lần đầu dùng cơm với nhau, ông ta cũng rất hâm mộ. Ông ta mới sáu mươi mấy tuổi, bệnh tật rất nhiều, hỏi tôi cách bảo dưỡng như thế nào? Ngay lúc đó, tôi liền bảo ông ta: “Phương pháp tôi bảo dưỡng thân thể chính là kết luận rút ra từ việc nghiên cứu của ông!” Ông ta trố mắt: “Kết luận gì vậy?” “Yêu thương, cảm ơn! Tôi sống trong thế giới yêu thương và cảm ơn. Đấy chính là kết luận ông đã thu được từ chuyện kết tinh của nước!” Ông ta thu được kết luận, nhận biết chân lý trong vũ trụ, điều thù thắng khôn sánh chính là tâm yêu thương và cảm tạ. Ông ta đạt được kết luận ấy. Tôi nói: “Tôi đã thực hành cái tâm yêu thương và cảm tạ ấy. Ông đã nghiên cứu tìm ra, nhưng vẫn chưa làm được”.
4. Diện mạo biểu hiện sự thành tựu trong sự học Phật của quý vị. Quý vị tâm địa từ bi, tướng mạo sẽ là tướng từ bi. Tâm quý vị thanh tịnh, tướng mạo của quý vị là thanh tịnh. Người khác trông thấy tướng mạo ấy sẽ khiến cho lòng người ta bị nhiếp phục, sanh lòng hoan hỷ, mong thân cận quý vị. Như vậy thì quý vị sẽ dễ dạy họ.
Từ tuổi trung niên trở lên, chẳng có ai không coi trọng thân thể khỏe mạnh. Khỏe mạnh, sống lâu rất được coi trọng. Họ thấy dáng vẻ quý vị như vậy, nhất định sẽ hướng về quý vị thỉnh giáo. Vậy là quý vị có thể nói với họ. Khi tôi đến khắp nơi trên thế giới, hình tượng này đã độ rất nhiều người. Mọi người đều đến hỏi: “Thưa pháp sư! Thầy bảo dưỡng thân thể như thế nào?” Tôi bảo họ: “Ăn chay, tâm thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh chẳng dễ dàng, như thế nào thì mới đạt được cái tâm thanh tịnh? Niệm A Di Đà Phật. Dùng một câu Phật hiệu này để thay thế tất cả các tạp niệm của quý vị. Quý vị thấy họ đến thỉnh giáo, ngay lập tức bèn truyền dạy cho họ. Họ có nhu cầu bức thiết; đấy là cơ hội giáo dục.
Gia đình sẽ là một gia đình Phật giáo, làm gương cho hết thảy các gia đình, là gia đình khuôn mẫu. Đạo tràng nhất định là gương mẫu cho hết thảy các đạo tràng, là đạo tràng điển hình. Vì thế, ở đây, trước hết, điều quan trọng nhất là phải học Giáo, phải niệm Phật! Tất cả những người làm công quả trong đạo tràng, chúng ta làm công quả, đều phải nghe kinh. Quý vị không nghe kinh, ở trong đạo tràng này, quý vị chẳng thể làm việc lành, tích đức, mà thường là còn phá hoại đạo tràng. Phá hoại đạo tràng, quý vị sẽ mắc tội, sẽ có tội lỗi! Gia đình cũng giống như thế. Nếu gia đình muốn hòa thuận, quý vị không dạy thì có được hay không? Ai dạy? Ta đã hiểu thì phải dạy, ta sẽ ảnh hưởng gia đình của chính mình, khiến cho cả nhà đều có thể hiểu lý, đều có thể hòa thuận.
(Pháp Sư Tịnh Không)
Title :
Description : 1. Ăn chay nhiều năm, mối oán kết sẽ được giảm bớt ít nhiều. Nhất là đã biết yêu thương, bảo vệ sanh mạng, không chỉ là ăn chay, mà còn thư...