Vài lời tạm bàn thời mạn pháp

Vài lời tạm bàn thời mạn pháp
Vài lời tạm bàn thời mạn pháp

1. Trong thế gian hiện thời, quý vị thường được “an ổn”, chúng ta nói thông thường] sẽ là “bình an”. Dẫu gặp đại tai, đại nạn, quý vị vẫn có thể yên ổn vượt qua, chẳng hứng chịu những nỗi khổ sở vì tai nạn. Điều này có nghĩa là cộng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau. Người chẳng học Phật không hiểu điều này, chứ người có đôi chút tu trì, hơi biết đôi chút kinh luận Phật pháp, đại khái là ít nhiều gì cũng có thể lãnh hội đôi chút!
Do đó, tôi thường nhắc nhở các đồng tu: Tu trì, đọc kinh, niệm Phật, đoạn ác, tu thiện, hết sức trọng yếu. Vì sao? Nay chúng ta đang sống trong đời loạn; trong tương lai, rốt cuộc loạn đến nỗi nào, ai cũng đều chẳng dám tiên đoán! Lại còn chẳng phải là loạn ở một nơi nào, mà là toàn thể thế giới đều loạn. Điều gì là an toàn nhất? Có phước, có đức là an toàn nhất, thật đấy! Quý vị có của cải, “tài vi ngũ gia cộng hữu” (của cải do năm nhà cùng sở hữu). Dẫu giàu có đến mấy, có thể là một ngày nào đó, sẽ mất sạch sành sanh! Xưa nay, những trường hợp giống như vậy quá nhiều, [tài sản] chẳng phải là của quý vị! Quyền thế và địa vị đều là giả trất. Chẳng có gì thật sự bảo đảm, [chẳng có gì] là chỗ dựa thật sự vững chắc. Kho báu vững chắc để nương cậy là mọi người hãy tích đức, có phước, có đức. Tuy trên thân quý vị chẳng có [của cải gì], nhưng quý vị đến nơi nào, người ta vừa trông thấy quý vị bèn sanh tâm hoan hỷ, cung kính, chăm sóc quý vị. Đó là có phước. Người ấy có thể vượt qua tai nạn, “hiện thế thường đắc an ổn” (thường được an ổn trong đời này).
2. Hiện thời, trong xã hội, quý vị có địa vị, có quyền thế, có của cải, những thứ ấy tạm thời hiện hữu trước mắt quý vị trong chốc lát, chứ quý vị chẳng [thật sự] đạt được! Nói cách khác, quý vị tạm thời có quyền phân xử, chẳng phải là vĩnh hằng, [nghĩa là] tạm thời có quyền để chi phối nó, ta dùng nó tốt đẹp, dùng làm việc thiện, tích lũy công đức. Nếu ta sử dụng chẳng ổn thỏa, thích đáng, thì sẽ tạo tác tội nghiệp, phải hiểu đạo lý này. Đời người hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, huống chi “trên đường tới suối vàng, không phân biệt già trẻ”, một hơi thở ra chẳng hít vào được, sẽ là đời sau. Vì thế, điều gì cũng phải xem nhẹ, đều phải buông xuống (buông xả trong tâm), tận tâm, tận lực vì xã hội, vì đại chúng tạo phước.
Quý vị thật sự tích đức, tu phước, gia đình của quý vị tự nhiên được Phật, Bồ Tát chiếu cố, có hộ pháp thiện thần chiếu cố, chu đáo hơn chính mình chiếu cố nhiều lắm, chính mình chẳng chiếu cố được!
3. Tuổi trẻ có phước chớ nên hưởng phước, hãy dùng trọn phước báo của quý vị để vun bồi phước, dùng để tu phước. Ta chẳng hưởng phước báo, tuy phước đưa đến, ta chẳng tiếp nhận! Không tiếp nhận, nó sẽ chẳng mất đi, vĩnh viễn tồn tại, đến tuổi xế chiều, ta lại hưởng thụ, đó là phước báo chân chánh. Tuổi trẻ có thể lực, chịu khổ đôi chút cũng chẳng sao, chứ người tuổi tác đã cao sẽ không kham nổi. Tuổi trẻ chẳng cần người khác hầu hạ, thứ gì cũng tự mình làm, đúng đấy! Tuổi tác đã cao, thể lực suy yếu, có người đến chăm sóc, đó là phước báo! Vì thế, phải biết tu phước.
Nhất là chúng ta thấy những người già cả, đừng ghét bỏ họ. Nếu quý vị ghét bỏ họ, trong tương lai, quý vị già cả, người trẻ tuổi sẽ ghét bỏ quý vị, vì sao? Nhân quả báo ứng! Đối với người già, chúng ta nên tôn trọng, nên thương yêu, tùy thời, tùy chỗ giúp đỡ họ thì đến lúc tuổi già quý vị cũng sẽ có những người trẻ tuổi đến chăm sóc quý vị. Quý vị gieo nhân như thế nào, trong tương lai sẽ có quả báo như thế ấy. Đúng là nhân duyên quả báo chẳng sai sẩy mảy may! Trong thế gian này, chúng ta chẳng tránh khỏi Lão Khổ, vậy thì hãy lo toan cho lúc tuổi già. Nói cách khác, tận hết sức giảm nhẹ Lão Khổ, phương pháp là hiện thời chúng ta có thể tôn kính, giúp đỡ người già, có thể tu phước nhiều hơn, chớ nên hưởng phước.
4. Chư Phật, Bồ Tát và trong số các vị tổ sư đại đức, xác thực là có không ít vị là tái lai, tức là Phật, Bồ Tát thị hiện để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn. Giúp đỡ chúng sanh khổ nạn thì có thể khiến cho họ chẳng phải chịu tí xíu khổ nạn nào hay không? Chẳng thể làm chuyện ấy, mà cũng chẳng hợp lý! Vì sao? Quý vị tạo tác rất nhiều tội nghiệp, há có thể chẳng lãnh quả báo ư? Quả báo thì quý vị vẫn phải hứng chịu, Phật, Bồ Tát đến giúp đỡ quý vị như thế nào? Phật, Bồ Tát dạy quý vị hiểu rõ nghiệp nhân của những quả báo mà quý vị đang phải hứng chịu trong hiện tiền, quý vị sẽ chẳng oán trời, hờn người. Đấy là do chính mình tự làm, tự chịu, ta phải nên hứng chịu. Hãy an tâm nhận lãnh, mà cũng nhận lãnh rất vui sướng. Vì sao? Trả báo cho xong! Đồng thời, cũng hiểu cách sửa lỗi, hướng lành, quay đầu là bờ. Hiểu đạo lý này!
Tất cả hết thảy khổ nạn đều là do [nghiệp nhân xấu đã tạo trong] quá khứ. Đời này thì lúc tuổi trẻ, khi chưa tiếp xúc giáo huấn của thánh hiền, bất luận là hữu ý hay vô tình, đã tạo tác rất nhiều tội nghiệp, đáng phải hứng chịu quả báo. Vì thế, chẳng sợ chịu khổ, chẳng sợ bị thua thiệt. Chuyện tổn người lợi mình quyết định chớ nên làm! Chuyện tổn mình lợi người phải làm nhiều hơn. Như vậy thì chúng ta sẽ sửa đổi vận mạng. Phật, Bồ Tát xuất hiện trong thế gian nhằm dạy bảo chúng ta những điều ấy. Quý vị hãy quan sát cẩn thận, có khi ta thấy các Ngài dùng “thân giáo”, tức là làm gương cho chúng ta trông thấy. Chúng ta trông thấy dáng vẻ ấy, tâm cảm động, thỉnh giáo, các Ngài sẽ giảng kinh, thuyết pháp cho chúng ta, [tức là] “ngôn giáo”. Nếu trong đời quá khứ, chúng ta đã có túc căn, lại còn hữu duyên với các Ngài, có thể tiếp nhận giáo huấn của các Ngài trong một thời gian dài, đời này mới có thành tựu!
5. “Oán gia” là nói tới oan gia trái chủ trong đời quá khứ. Vì quý vị có Phật, Bồ Tát gia hộ, có hộ pháp thiện thần ủng hộ, oan gia trái chủ trong nhiều đời chẳng có cách nào tiếp cận quý vị. Chuyện này tốt đẹp ở chỗ nào? Trong quá trình tu hành, quý vị thuận buồm xuôi gió, chẳng có ma chướng. “Oán gia nhi đắc kỳ tiện” (Oán gia có dịp quấy nhiễu) chính là ma chướng. [Thông thường, trong khi tu hành], ma chướng nhiều lắm, chắc chắn là quý vị chẳng thể tránh khỏi ma chướng, nguyên nhân ở chỗ nào? Từ đời đời kiếp kiếp trong vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã kết oán với chẳng biết bao nhiêu chúng sanh! Nhất là ăn thịt của chúng sanh. Ăn thịt chúng sanh là kết thâm cừu đại hận với chúng nó! Trong kinh Phật đã dạy rất rõ ràng: Ăn nửa cân thịt của chúng, trong tương lai, phải đền tám lạng! Thiếu nợ phải trả tiền, thiếu mạng phải đền mạng. Đời này chẳng trả, đời sau nhất định phải đền. Nếu quý vị nghĩ đến những chuyện nhân quả báo ứng ấy, [sẽ cảm thấy] quá đáng sợ! Trước kia chẳng hiểu, làm những chuyện ác, nay đã hiểu rõ, quyết định chẳng tạo nữa! Chẳng kết oán cùng bất luận kẻ nào, chẳng có tơ hào tranh chấp nợ nần cùng bất cứ ai. Trả nợ sạch sành sanh, trên đường Bồ Đề chúng ta mới ít gặp chướng ngại! Đã biết điều này, còn những món nợ trong đời quá khứ, chẳng biết! Làm như thế nào đây? Chúng ta hãy đem hết thảy công đức tu học của chính mình hồi hướng cho họ hòng bù nợ! “Nguyện dĩ thử công đức, thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (Nguyện đem công đức này, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba đường), đó là bù nợ, trả nợ. Quý vị đừng nên quấy nhiễu tôi, để tôi tu hành thành tựu, lợi ích thảy đều của quý vị. Ý nghĩa trọng yếu nhất của hồi hướng là ở chỗ này. Bản thân quý vị có công đức ấy, Phật, Bồ Tát gia trì, che chở quý vị càng thuận tiện, càng dễ dàng!
6. Tổ Ấn Quang là Cực Lạc Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân, lời lão nhân gia nói chính là lời Đại Thế Chí Bồ Tát nói. Đại Thế Chí Bồ Tát là Tịnh Tông Sơ Tổ (Sơ Tổ Pháp Môn Niệm Phật). Chúng ta đọc Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm, [sẽ thấy] Ngài thật sự chuyên, chuyên tới cùng cực. Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, Ngài dùng phương pháp gì? Chính là một câu A Di Đà Phật, chuyên đến mức cùng cực. Chỉ là một câu A Di Đà Phật, từ sơ phát tâm cho đến khi thành Vô Thượng Đạo. Sau khi đã thành Vô Thượng Đạo, đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, Ngài vẫn dùng pháp môn niệm phật để tự hành, hóa độ người khác, vĩnh viễn không thay đổi! Từ hết thảy các kinh, chúng ta đã thấy: Lão nhân gia xác thực đúng là bậc nhất. Chuyện này đáng để chúng ta học tập theo, đáng cho chúng ta bắt chước. Chúng ta gặp gỡ bậc thiện tri thức như vậy mà nếu vẫn chẳng tin tưởng, đúng là Nhất Xiển Đề như kinh đã nói. Nhất Xiển Đề là chẳng có thiện căn. Gặp gỡ bậc đại thiện tri thức như vậy mà vẫn chẳng thể tin nhận, phụng hành!
7. Từ TV chúng ta thấy bao nhiêu người chết đói tại Phi Châu, quý vị thấy hình tướng của họ là da bọc xương, chúng ta ở đây dư dả, ấm no, cùng sống trên địa cầu mà phước báo khác biệt! Vì sao có hiện tượng này? Đời trước tu phước khác nhau. Quý vị đời trước tu phước, đời này nhất định sanh trong cõi có phước; chẳng có phước báo, quý vị sẽ sanh về nơi chẳng có phước báo, nhất định phải hiểu đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này. Vì thế, cùng là người một nhà, do mỗi cá nhân tu phước khác nhau, dẫu đời sau vẫn chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, dẫu cho cùng làm thân người như nhau, cũng chẳng thể sống cùng một chỗ, [bởi] phước báo khác biệt.
Chúng ta mong quả báo tốt, nhất định phải tu nhân tốt, phải giữ tấm lòng tốt, phải làm chuyện tốt, phải làm người tốt, phải tích thiện tu đức, quả báo của chúng ta liền thù thắng, bất luận chánh báo hay y báo thảy đều thù thắng. Vì thế, quả báo do chính mình tu, chính mình thọ dụng, tự làm, tự chịu, chẳng thể oán trời trách người, chẳng thể trách “trời già không công bằng”, chẳng thể trách Phật, Bồ Tát chẳng phù hộ. Nếu quý vị oán trời, trách người, trách Phật, Bồ Tát chẳng phù hộ, tội càng thêm tội, lầm lẫn quá đỗi! Hoàn cảnh của chính chúng ta không tốt, hãy tu đức, tu thiện, nghiêm túc tu dăm ba năm, hoàn cảnh của quý vị nhất định chuyển biến, chuyển thành mọi chuyện như ý, mọi chuyện vừa lòng, có thể chuyển được! Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Viên Liễu Phàm là một thí dụ. Thuở ban đầu, ông ta bán tín bán nghi, cho nên phát tâm làm ba ngàn việc thiện. Làm mười năm mới xong, thật sự chuyển biến. Sau đó, lại phát tâm làm việc thiện rất dễ dàng, ông ta lại phát tâm làm một vạn điều thiện, chỉ một vài ngày đã viên mãn! Quý vị thấy trong Liễu Phàm Tứ Huấn có chép [chuyện này]!
Do vậy, càng có phước, lại càng tu phước dễ dàng. Những năm qua chúng tôi cũng giống như thế. Thuở đầu in kinh, chúng tôi phát tâm in một ngàn bộ khó khăn lắm! Chẳng dễ gì gom được một chút tiền để in một ngàn bộ! Hiện thời, chúng tôi in kinh, nói in một vạn bộ, tiền ngay lập tức đưa tới, chưa đầy vài ngày đã thành tựu. Do vậy nói: Ngày càng dễ dàng! Đó là cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Trong quá khứ, qua sách vở, chúng ta thấy sự cảm ứng của cổ nhân, hiện thời bản thân chúng tôi đã làm như vậy nhiều năm như thế, đích thân chúng tôi thể nghiệm, chẳng sai tí nào!
8. Nếu quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn nhiều lượt, sẽ hiểu, trong Phật pháp đã nói: Tuy thọ mạng của con người là nhất định, [thọ mạng dài hay ngắn là kết quả của nghiệp] do quý vị đã tu trong đời trước, nhưng nếu trong kiếp này, chính quý vị chịu tu, sẽ có thể kéo dài thọ mạng. Nếu quý vị tạo ác nhiều, thọ mạng cũng có thể bị rút ngắn.
9. Dung mạo, sắc thân của chính chúng ta, mỗi người đều không như nhau. Tại sao không như nhau? Nghiệp lực không tương đồng, đây là do nghiệp lực chiêu cảm đến. Nếu như chúng ta nói là tự nhiên, sự tự nhiên này không phải là cái khác mà cái tự nhiên này là nghiệp lực. Trong đời quá khứ bạn có thể đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức thì trong cuộc đời này dung sắc của bạn sẽ tuyệt vời, chúng tôi không dám nói là vi diệu, mà dung sắc sẽ tốt hơn người thông thường.
Tôi đi thăm Thái Lan lần đầu tiên vào tháng trước, vợ chồng của Phó Thủ Tướng Thái Lan - Chavalit đón tiếp tôi. Tôi vừa nhìn thấy vợ của ông ấy thì biết bà ấy có phước báu. Dung nhan của bà ấy rất đẹp, khi vừa nhìn thấy, người Trung Quốc thường hay nói nhất phẩm phu nhân. Người xưa nói nhất phẩm phu nhân, bà ấy thuộc dạng người như vậy, là đời trước có tu, hơn nữa không phải chỉ tu có một đời, tu một đời chưa đủ. Ở thế gian này của chúng ta, đại phú đại quý, làm được Bộ trưởng, Thủ tướng, Tổng thống, Quốc vương thì ít nhất cũng là tu mười đời, nhiều đời nhiều kiếp tích công lũy đức, họ mới có phước báo lớn như vậy, không phải là một đời.
10. Học tập, phải đừng chấp tướng, đừng kể công: “Ta làm bao nhiêu chuyện tốt, ta làm bao nhiêu công đức”, [nếu kể công] tâm địa sẽ chẳng thanh tịnh, [những công đức đã làm đều] biến thành phước báo hữu lậu. Quý vị tu tập tích lũy hết thảy thiện pháp, tâm thanh tịnh, chẳng nhiễm trước, đó là công đức vô lậu. Ghi công, ta làm bao nhiêu chuyện tốt, bao nhiêu việc thiện, niệm niệm chẳng quên, đấy là hữu lậu, bèn biến thành phước báo thế gian. Làm giống hệt như vậy, nhưng tâm khác hẳn (chẳng chấp tướng, tâm thanh tịnh), kết quả sẽ khác hẳn. Quả báo của tịnh nghiệp là ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nghiệp chẳng tịnh, sẽ luân hồi ngay trong lục đạo của thế giới Ta Bà, quả báo chênh lệch quá lớn! Sai sót hào ly, lạc đi ngàn dặm!
11. Chúng ta chớ nên lưu luyến ngũ dục (tiền tài, sắc, danh vọng địa vị, ăn uống, ngủ nghỉ) lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong thế gian này, vì sao? Hết thảy các pháp trong thế gian này chẳng mang thứ nào theo được! Mọi người đều biết: “Sanh không mang gì đến, chết chẳng đem gì theo”. Nếu biết chết không mang được thứ gì theo thì cần gì phải tranh giành những thứ ấy? Hiện thời, quý vị còn chưa chết, đúng vậy, hôm nay vẫn còn chưa chết, nhưng ngày mai có thể còn sống hay không, ai dám bảo đảm? Không ai dám bảo đảm cả! Tai nạn bất ngờ quá nhiều! Chúng ta có được sanh mạng một ngày thì phải nỗ lực tu hành một ngày, chẳng cần tranh giành những thứ trong thế gian, chúng đều là giả.
12. Đối với sự tu hành, quan trọng nhất là hoàn cảnh nhân sự, tục ngữ có câu: “Xử sự khó, đối xử với người khác càng khó hơn!” Trong cách xử sự với người khác, phải rèn giũa cho tâm cảnh của chúng ta bình lặng trong hoàn cảnh nhân sự. Đắc thanh tịnh tâm trong hoàn cảnh nhân sự thì hoàn cảnh vật chất chẳng cần phải nói nữa, tự nhiên là thanh tịnh. Do vậy, tu hành là tu ở chỗ nào? Bồ Tát tu hành trong chốn hồng trần. Người Tiểu Thừa bảo: “Hoàn cảnh nhân sự quá phức tạp, thôi đi! Ta vào chốn núi sâu, xa lìa xã hội”. Vì thế, họ vĩnh viễn chẳng thể kiến đạo. Họ có thể đắc Định, có thể đạt được thanh tịnh, nhưng sự thanh tịnh của họ là tịnh trong “nhiễm, tịnh”, là đối lập, là thanh tịnh tương đối, chẳng phải là thanh tịnh chân chánh. Họ đến ở tại thành thị vài ngày, lại bị loạn, lại bị nhuốm bẩn. Nói cách khác, sự thanh tịnh ấy chẳng chịu nổi sự khảo nghiệm, không được rồi! Nhất định phải thật sự khảo nghiệm và rèn giũa hằng ngày, thành tựu sự thanh tịnh của chính mình trong đó. Đấy là thanh tịnh chân chánh. Sự thanh tịnh ấy là sự thanh tịnh rời khỏi hai bên nhiễm và tịnh. Đó là vô lượng công đức.
13. Tu hành trong Phật pháp, không gì chẳng nhằm tu tâm thanh tịnh mà thôi. Tu tâm thanh tịnh từ chỗ nào? Tu trong hết thảy cảnh giới, nhưng phàm phu chúng ta chẳng thể. Phàm phu muốn trốn tránh hết thảy cảnh giới; hễ cảm thấy chẳng phải là cảnh giới chính mình mong muốn cho lắm, bèn vội vã sẽ tránh né, vậy thì làm sao có thể tu thành công cho được? Vĩnh viễn dùng phân biệt, chấp trước (dính mắc), vọng tưởng trong hoàn cảnh, nên tu chẳng thành công. Người thật sự tu hành, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng thế, họ tu điều gì trong hoàn cảnh? Trừ bỏ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của chính mình, khiến cho cái tâm của chính mình khôi phục sự thanh tịnh. Trong thuận cảnh chẳng nhuốm bẩn, trong nghịch cảnh cũng chẳng nhuốm bẩn. Trong thuận cảnh, chẳng có tham ái, hay tâm hoan hỷ. Trong nghịch cảnh, cũng chẳng có tâm ưu lự. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm người ấy bình đẳng, chánh trực. Đó là biết dụng công, biết tu hành.
14. Tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thể nào khai ngộ. Vì thế, chuyện chẳng cần phải biết bèn chẳng cần biết đến, người chẳng cần quen biết, chẳng cần xã giao. Tôi bảo mọi người đừng đọc báo, đừng xem TV, hãy buông hết xuống, thân tâm thanh tịnh, đắc tự tại. Nói thực tại, đối với sức khỏe thân thể hay tinh thần đều có ích rất lớn, tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh, trăm bệnh chẳng sanh! Quý vị bị bệnh là do tâm chẳng trong sạch, thân chẳng trong sạch. Vì lẽ đó, ăn uống phải đơn giản, bao tử sạch sẽ, tâm sạch làu, người ấy chẳng sanh bệnh. Đến khi lâm chung, biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh Cực Lạc, tốt đẹp lắm! Đấy mới chính là điều người học Phật mong cầu! Những chuyện khác đều chẳng liên quan đến chúng ta, hãy nên bỏ sạch sành sanh, đừng bận tâm tới chúng!
15. Có người tu thiện tích đức, đời này cuộc sống bần cùng, là do nguyên nhân nào? Trong đời quá khứ chẳng tu, trong mạng chẳng có phú quý, vận mạng nghèo túng, hèn kém, áo cơm thiếu thốn. Đời này, may mắn gặp thiện tri thức, gặp bạn lành, biết sửa lỗi đổi mới, biết đoạn ác, tu thiện, biết tích lũy công đức, cho nên người ấy vẫn còn có thể miễn cưỡng sống được. Nếu đời này, người ấy chẳng tu tập, tích lũy như vậy, ngay cả mức sống như trong hiện thời người ấy cũng chẳng hưởng được! Đời này tuy rất nghèo khổ, đời sau phước báo to lớn. Người ấy tu phước cho đời sau. Do vậy, nếu quý vị có thể thấy ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai), sẽ tâm bình khí hòa, gật đầu: - Có lý, chẳng phải là vô lý!
16. Ví như quý vị tốt số, đầu thai vào gia đình phú quý, cha quý vị đại phú, đại quý. Khi quý vị đi học, chính mình chẳng kiếm ra tiền, nhưng hoàn cảnh sống tốt đẹp nhất, ra khỏi cửa đi xe tốt nhất. Những thứ đó là của bố quý vị, chẳng phải là của quý vị, có ý nghĩa như thế đó. Chúng ta tới cõi ấy (cõi Cực Lạc), tất cả hết thảy sự hưởng thụ đều là hưởng thụ từ A Di Đà Phật, có ý nghĩa như thế ấy! Đợi đến khi chính mình đã đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa Hoặc, đoạn Vô Minh, vô minh còn phải đoạn hơn ba mươi phẩm, [lần lượt chứng đắc các địa vị] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Khi đã đạt đến Thất Địa, tức là đã đoạn ba mươi bảy phẩm vô minh, khi ấy, [sự hưởng thụ] là của chính quý vị. Khi quý vị chưa đạt đến mức độ ấy, [hết thảy thọ dụng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới] là do Phật lực gia trì. Cũng giống như khi chính bản thân quý vị đã có năng lực, làm việc trong xã hội, cũng có thể kiếm tiền, hết thảy những gì quý vị thọ dụng là của chính mình, chẳng phải dựa dẫm vào cha nữa! Khi quý vị chẳng có năng lực ấy, hoàn toàn dựa dẫm cha, bèn có lợi ích như thế đó. Trong các thế giới chư Phật khác, chẳng có sự tốt đẹp này. Do vậy, [nếu ở trong các thế giới khác], quý vị đang trong giai đoạn tu học sẽ rất khổ sở, chẳng thể hưởng thụ tốt đẹp dường ấy! Vì vậy, sự thù thắng của thế giới Cực Lạc chẳng có bất cứ thế giới Phật nào có thể sánh bằng! Chúng ta ắt phải hiểu điều này thì tín tâm của chúng ta mới thanh tịnh, mới kiên định, niệm phật và nguyện lực mới thật sự khẩn thiết. Chẳng thể không đến cõi ấy!
17. “Chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Hãy chú trọng một chữ "Chuyên", chữ này hết sức trọng yếu. Nay chúng ta chẳng đạt được các thứ lợi ích và công đức của Niệm Phật, vấn đề là đối với chữ Chuyên, chúng ta làm chẳng đủ, thậm chí còn chưa hề làm! Chỉ cần lắng lòng phản tỉnh một phen, sẽ biết điều này, [sẽ nhận thấy: Chẳng đạt được lợi ích và công đức do trì danh] cũng là do “xen tạp” như Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói. Chúng ta niệm Phật xen tạp quá nhiều thứ, xen tạp vô lượng vô biên pháp thế gian. Vướng mắc, bận tâm là xen tạp, còn xen tạp khá nhiều Phật pháp! Vì thế, công đức và lợi ích của việc trì danh chẳng thể hiển lộ được!
Nếu chúng ta có thể chuyên, bỏ sạch (buông xả trong tâm) hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, công đức và lợi ích ấy sẽ hết sức rõ rệt. Lại còn trong một thời gian rất ngắn, đã thấy hiệu quả. Ngắn đến mức độ nào? Trong kinh này, đức Phật đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày”, tối đa là bảy ngày liền thấy hiệu quả. Nếu quý vị hỏi: “Thật ư? Có thể ư?” Xác thực là thật, xác thực là có thể. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta đã thấy những tấm gương như vậy, đã thấy sự thật ấy. Chúng ta chớ nên không hiểu rõ, chớ nên không phản tỉnh sâu xa, vì “xen tạp” và “chẳng chuyên” đã gây tổn hại quá nghiêm trọng.
Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta luân hồi sanh tử trong lục đạo (trời, người, a tu la (quỷ thần), ngạ quỷ (ma và quỷ đói), súc sanh, địa ngục), chẳng thể thoát lìa. Trong cái nhìn của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta thật sự đáng gọi là “kẻ đáng thương xót”, mê mẩn trong tam giới lục đạo. Tam giới lục đạo giống như mê cung, đích xác là thời thời khắc khắc mong thoát ra, nhưng chẳng tìm thấy cửa nẻo hoặc đường lối, vĩnh viễn xoay chuyển trong ấy. Tuy đức Phật đã nói rõ ràng, nói minh bạch, nếu quý vị mong thoát ra, hãy là “một môn, chuyên tinh”. Chúng ta nghe lời này đã nhiều, cũng thấy quá nhiều, nhưng chưa hề thực hiện! Nghe nhiều, xem nhiều, mà vẫn giống y hệt như cũ, chẳng khởi tác dụng, chính mình nhất định phải nghiêm túc thực hiện!
(Pháp Sư Tịnh Không)
Title : Vài lời tạm bàn thời mạn pháp
Description : Vài lời tạm bàn thời mạn pháp 1. Trong thế gian hiện thời, quý vị thường được “an ổn”, chúng ta nói thông thường] sẽ là “bình an”. Dẫ...