Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời (phần 2)

Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời (phần 2)
Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời (phần 2)
IX. Nhân tự lực và duyên tha lực
Lâm chung niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ cần có đầy đủ nhân tự lực và duyên tha lực. Tự lực là chánh nhân để vãng sanh Tây phương, tha lực là trợ duyên để vãng sanh Tây phương. Nhân và duyên hòa hợp mới có sự cảm ứng thành tựu việc lớn vãng sanh.
Xét về phương diện tự lực, người nào khi bình thường có niềm tin về thế giới Cực lạc tin có Phật A Di Đà, ước nguyện được sanh về thế giới Cực lạc, ước nguyện được thấy Phật A Di Đà. Một lòng chí thành niệm Phật cầu sanh về Tịnh độ cầu thấy Phật A Di Đà. Câu câu chữ chữ từ tâm mà phát từ miệng mà khởi rồi vào trong tai, mỗi niệm mỗi niệm tương tục không có gián đoạn. Âm điệu hòa nhã nhu nhuyến tiếng niệm Phật khẩn thiết chí thành. Niệm niệm có đủ tâm mong cầu câu câu đều nguyện vãng sanh Tịnh độ, cầu Phật từ bi nhiếp thọ mong Phật thương xót duỗi tay cứu độ.
Đức Di Đà thương nhớ chúng sanh chẳng khác nào như mẹ nhớ con, chúng sanh nào có tâm tín nguyện trì danh nhớ Phật niệm Phật như con nhớ mẹ, hai đàng có sự thương nhớ sâu nặng không lúc nào ngăn cách tất có sự cảm ứng lẫn nhau người đó quyết sẽ được Phật nhiếp thọ. Không luận cảnh duyên thuận nghịch hay khổ vui ngay cảnh đó đều tuyệt hẳn ngoại duyên tâm không theo cảnh mà chuyển, ở trong mọi lúc mọi nơi đều chuyên cần trì danh niệm Phật thâu nhiếp cả sáu căn tịnh niệm nối nhau. Lâu ngày công phu sẽ thuần thục, đến khi lâm chung mới có thể buông bỏ mọi duyên đề khởi câu Phật hiệu. Lâm chung nếu chánh niệm hiện tiền tức sẽ được Phật tiếp dẫn, như trong khoảng khảy móng tay liền được vãng sanh về thế giới Cực lạc.
Người bệnh khi lâm chung người khác vì họ mà niệm Phật trợ niệm, một là có thể trợ giúp người bệnh đề khởi tâm niệm Phật, hai là có thể trợ giúp người bệnh sám hối nghiệp chướng. Nếu nghiệp chướng của họ tiêu trừ thì hoa sen báu và Thánh chúng tất cả mọi thắng cảnh Tịnh độ tự nhiên hiện tiền.
Người nào khi lâm chung có được tâm tín sâu nguyện thiết, có được tâm khẩn thiết chí thành niệm Phật như bình thường, người đó một niệm sau cùng là niệm Phật đó là nhân tự lực.
Người nào khi bình thường không có tâm tín sâu nguyện thiết chí thành niệm Phật, hoặc tuy có tâm tín sâu nguyện thiết chí thành niệm Phật nhưng công phu chưa được thuần thục, đến lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị mà sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm chánh tín phát nguyện cầu sanh, tâm chí thành niệm Phật đó cũng là nhân tự lực.
Đức A Di Đà thệ nguyện sâu rộng độ khắp các loài chúng sanh, thế giới Cực lạc thanh tịnh trang nghiêm đó là duyên tha lực.
Thiện tri thức khéo khai thị khiến người bệnh sanh tâm chánh tín, buông bỏ mọi duyên trần một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Gia đình và liên hữu vì người bệnh mà niệm Phật trợ niệm, từ khi chấm dứt hơi thở cho đến mười hay mười hai giờ đồng hồ, lại không chuyển dịch cơ thể không bi ai khóc lóc đó cũng là duyên tha lực.
Nếu người nào khi lâm chung nhân tự lực và duyên tha lực cả hai đều đầy đủ thì sẽ có sự cảm ứng lẫn nhau, người đó nhất định sẽ được Phật tiếp dẫn, niệm trước vừa lâm chung niệm sau đã có mặt ở Tịnh độ. Nếu ai có sự ứng hợp nhân và duyên như trên thì vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh.
Người nào thường ngày tuy có tâm tín nguyện niệm Phật nhưng đến lúc lâm chung vì bệnh khổ bức bách khiến tâm niệm Phật không đề khởi được, để rồi khởi lòng tham luyến tình ái dục niệm thế gian cho đến vợ con tài sản, ý niệm tham luyến này buông không xuống, trường hợp này là không có nhân tự lực.
Người nào nếu lúc lâm chung chẳng có thiện tri thức đến khai thị cũng không có ngưới niệm Phật trợ niệm, lại gặp gia đình không biết mà chuyển dịch cơ thể bi ai khóc lóc phá hoại chánh niệm, trong tâm người chết vô cùng phiền muộn nhưng không thể mở miệng nói được, do đó sự thống khổ phiền muộn càng tăng, trường hợp này cũng là không đủ duyên tha lực.
Người nào khi lâm chung có đủ nhân tự lực nhưng thiếu duyên tha lực, hoặc khi công phu niệm Phật thuần thục không cần phải người khác niệm Phật trợ niệm nhưng vì gia đình không biết mà chuyển dịch cơ thể bi ai khóc lóc khiến phá hoại chánh niệm, trường hợp này là có nhân mà không có duyên cũng không thể vãng sanh.
Người nào nếu khi lâm chung chỉ nương vào duyên thiện tri thức khai thị gia đình niệm Phật trợ niệm, không bị chuyển dịch cơ thể không bi ai khóc lóc nhưng bản thân vì bệnh khổ bức bách , hoặc tâm bị trói buộc vào sự tham luyến tình ái dục niệm thế gian vợ con tài sản mà buông không xuống, vì thế tâm tín nguyện niệm Phật không đề khởi được, trường hợp này là có duyên mà không có nhân cũng không thể vãng sanh.
Đức A Di Đà thệ nguyện sâu rộng như vầng trăng sáng tỏ không chỗ nào mà ánh trăng không chiếu. Chúng sanh phát tâm niệm Phật như ao trong yên tĩnh không động. Nước ao trong lặng thì bóng trăng tỏ hiện, tâm chúng sanh thanh tịnh thì chư Phật hiển bày. Người niệm Phật với công phu thuần thục sẽ cảm thông với Phật, người đó khi lâm chung nương vào nguyện lực của Phật quyết định sẽ được vãng sanh thế giới Cực lạc.
Kết luận
Chúng ta từ vô thỉ đến nay bởi một niệm bất giác mà chạy theo ngoại cảnh phan với duyên trần. Bởi sức nhân duyên si vọng huân tập khiến trong tâm sanh diệt niệm khởi phát sanh các món điên đảo, cho đến toàn chân thành vọng che đậy chướng ngại bản tánh diệu minh. Do vì tâm sanh nên các pháp sanh do vì pháp sanh nên các tâm sanh, tâm cảnh níu kéo triển chuyển vô cùng. Bởi phiền não tham sân si phát từ thân miệng ý tạo thành hữu lậu khởi hoặc tạo nghiệp, nhân nghiệp mà cảm quả do quả mà nhân khởi, nhân và quả nối nhau không bao giờ có gián đoạn.
Vì thế chúng sanh đời đời kiếp kiếp bỏ thân này lại thọ thân khác lưu chuyển không hạn kỳ, mãi mãi trôi lăn nơi biển nghiệp luân chuyển trong Tam giới. Nhân đây, huyễn hiện thăng trầm nơi sáu thú uổng thọ đại khổ của thân tâm, sự thống khổ bức bách vô cùng mà chúng sanh không hay không biết. Nên rõ, nhân vọng chấp mà có sanh vì sanh mà có diệt, sanh diệt gọi là vọng hết sanh diệt gọi là chân.
Bởi thấu tỏ được lý duyên sanh như huyễn vọng niệm vốn không mà siêng tu Giới định tuệ để có ngày thể nhập chân như Phật tánh, thấy rõ được bản thể Bất động chặt đứt được sóng lớn sanh tử. Cũng ngay đây dứt hẳn vọng tưởng sanh diệt huyễn hóa ngộ nhập thể tánh chân thật bình đẳng nhất như. Nhưng toàn nương vào sức tự lực để đoạn hoặc chứng chân phản bổn hoàn nguyên, ngõ hầu đạt mục đích xuất ly Tam giới liễu sanh thoát tử, trừ phi người nào đã trải qua nhiều kiếp tiệm tu túc thế đã lắm phen huân tập giống đạo, còn không thì tuy trải qua nhiều kiếp tu hành e rằng vẫn khó có thể chứng ngộ.
Duy có pháp môn Tịnh độ nương nhờ vào từ lực của Phật có thể đới nghiệp vãng sanh. Chỉ cần chúng sanh nào có tín sâu nguyện thiết chí thànhh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là đều có thể vượt tắt Tam giới không còn phải thọ thân đời sau. Cho nên lúc lâm chung niệm Phật cầu sanh thế giới Cực lạc đó là then chốt để siêu phàm nhập Thánh cũng là đường tắt mau chóng thành tựu Chánh giác, bỏ con đường tắt này thì không còn con đường nào an ổn hơn. Bởi tín nguyện trì danh là sanh lộ để liễu sanh thoát tử là phép mầu để thoát khỏi nghiệp chướng buộc ràng. Lại dùng tịnh duyên tăng thượng mà mau chứng Vô sanh, tiếp lấy trí lực nguyện lực nhập vào trần lao mà bạt tế quần mê sanh tử.
Xét qua hai môn tự lực và tha lực thì tự lực tu hành phải nghiệp tận tình không mới phá được vô minh chứng pháp tánh, tất nhiên người tu phải trải qua nhiều kiếp mới thành chánh giác, việc khó và dễ thành Phật của hai môn khác xa trời vực. Cổ đức nói: “Chỉ thấy được Di Đà còn lo gì tỏ ngộ”. Vì vậy, chúng ta chỉ cần được vãng sanh Tịnh độ quyết định sẽ thấy Phật nghe pháp mở bày Tri kiến Phật. Nếu chứng được Vô sanh pháp nhẫn được Phật thọ ký thì không khác gì được tăng cao Thánh vị. Từ đây tận cùng vị lai kiếp thường hưởng thọ pháp lạc, thường ra vào trong mười cõi tuyên dương Chánh pháp, gắng sức tu hành nỗ lực hóa độ chúng sanh thực hành đạo lớn Bồ đề. Do đây, trong thì chứng Thánh trí để thoát ly sanh tử ngoài thì diễn bày vạn hạnh để thể nhập vào biển nguyện. Nhập Niết bàn nhưng không rời bỏ đại bi thường hành phương tiện độ người nhưng chưa từng ra ngoài bản thể.
Người học Phật nên lập chí nguyện lớn phát tâm Vô thượng Bồ đề mong cầu chứng được quả vị Vô sanh, sau khi được Phật thọ ký hướng thẳng đạo lớn Bồ đề, dụng sức trí tuệ bi nguyện đi vào khắp biển khổ trần lao phiền não, khởi Vô duyên đại từ vận dụng Đồng thể đại bi bình đẳng làm lợi ích khắp tất cả chúng sanh, lấy Tứ nhiếp tịnh hóa chúng sanh sớm thoát khỏi Ta bà ngũ trược ác thế mau lên cữu phẩm nơi Cực lạc liên bang. Như thế, rộng độ khắp pháp giới chúng sanh trải qua cực vi trần số kiếp, viên tu vạn hạnh, viên mãn vạn đức bi trí song vận trí tuệ cụ túc mà chứng Vô thượng chánh giác, cũng ngay đó gọi là viên mãn Vô thượng đại Bồ đề. Đó là thành tựu mục tiêu cứu cánh “Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sanh”. Đó là thay thế đức Như lai đảm nhận trách nhiệm độ thoát chúng sanh lợi khắp các loài hàm thức. Đó là bậc đại trượng phu thực hành Bồ tát đạo. Đó là chân tinh thần phát huy rực rỡ Đại thừa Phật giáo.
Biên soạn bản văn này chẳng có tánh chất thời gian chẳng có tánh chất phương sở, chỉ vì tất cả con người ở hiện tại và tận cùng vị lai mà đề xướng các kiến thức cơ bản trước và sau khi lâm chung. Mong các vị hiền nhân văn sĩ phổ biến rộng rãi bản văn: “Sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời” này. Mong cầu ở hiện tại và tận cùng vị lai có bao nhiêu người khi lâm chung đều được tiêu trừ nghiệp chướng xa lìa phiền não, trở lại nguồn tịnh tâm đồng lên bờ giác, đều được vãng sanh thế giới Tây phương Cực lạc của đức Phật A Di Đà.
Hoan nghênh các vị hiền sĩ đã đề xướng ấn tống tặng bản văn này cho người đọc ngõ hầu rộng kết tịnh duyên, triển chuyển lưu truyền khiến mọi người trong hiện tại và vị lai được hưởng sự lợi ích, công đức này vô lượng phước đức này vô biên, tổ tiên sớm được siêu thăng con cháu thảy đều được nhân từ hiếu đạo.
Pháp sư Tịnh Không
Title : Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời (phần 2)
Description : Sự Kiện Quan Trọng Nhất Trong Cuộc Đời (phần 2) IX. Nhân tự lực và duyên tha lực Lâm chung niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ cần có đầy...