Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao?

Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao?
Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao?

HỎI: Chúng tôi chuyên tu tập theo pháp môn Tịnh độ, niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà. Hiện có người khuyên nên niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật), có người bảo nên niệm bốn chữ (A Di Đà Phật), vậy tôi nên niệm theo cách nào? Nhất tâm bất loạn là sao? Có người cho rằng niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn. Người khác lại nói niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng mới đạt nhất tâm bất loạn. Thế nào là “lão thật niệm Phật”? Niệm sâu và niệm cạn là thế nào? Kết quả ra sao?
VÕ THIỆN ĐỨC, Đồng Tháp; TRẦN HỮU ĐỊNH, Sóc Trăng
ĐÁP: Bạn Võ Thiện Đức và Trần Hữu Định thân mến!
Niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà là pháp môn Trì danh niệm Phật, rất phổ biến cho các hành giả tu tập theo tông Tịnh độ. Trì danh niệm Phật hiện có hai cách: niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật) và niệm bốn chữ (A Di Đà Phật). Niệm theo cách nào cũng được, không bắt buộc phải niệm theo bốn hay sáu chữ, tùy thuộc thói quen, sự huân tập của mỗi người.
Về nhất tâm bất loạn, theo Hòa thượng Thích Thiền Tâm: “Nhất tâm là chỉ có một tâm niệm Phật và bất loạn là lòng không rối loạn duyên tưởng cảnh nào ngoài cảnh niệm Phật” (Niệm Phật thập yếu, THPG TP.HCM ấn hành, 1991, tr.194). Nhất tâm có hai, Sự và Lý: Khi hành giả tâm chuyên chú sáu chữ hồng danh, lâu ngày tạp niệm đều dứt, đi đứng nằm ngồi chỉ có một câu niệm Phật hiện tiền, gọi là Sự nhất tâm. Trên nền tảng của Sự nhất tâm, tiếp tục dụng công đến chỗ tâm địa rỗng suốt, ngộ vào thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây phương, tánh mình chính là Di Đà. Đây là cảnh giới Lý nhất tâm (Sđd, tr.212).
Theo Hòa thượng Tịnh Không, vị pháp sư hoằng truyền pháp môn Niệm Phật người Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới hiện nay thì: “Công phu đến “nhất tâm bất loạn” thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ. Công phu mức thượng gọi là “Lý nhất tâm bất loạn” có cùng một cảnh giới với mức “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” trong Thiền tông. Kế đó là “Sự nhất tâm bất loạn” tức đoạn dứt kiến tư phiền não, công phu này tương đương với bậc A la hán. Mức thấp nhất gọi là “Công phu thành phiến”. Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng “công phu thành phiến” đích thật là ai cũng có thể đạt được. Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài ra không khởi lên một vọng niệm gì khác, gọi là “Công phu thành phiến”.
Như vậy, “niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng” chỉ là Sự nhất tâm hoặc Công phu thành phiến mà thôi. Ngoài ra, vấn đề “niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn” là dựa theo quan điểm “Tán tâm niệm Phật vẫn được vãng sanh” của ngài Pháp Nhiên (1133-1212), Sơ tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản. Theo Tổ Pháp Nhiên: “Nhất tâm bất loạn nghĩa là khi niệm Phật, tâm không tán loạn, dùng tín tâm chí thành mà chuyên niệm Phật danh” bởi “Đã sinh ra làm người trong cõi tán địa này, tâm làm sao khỏi tán loạn được. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh là chỗ đáng quý của bổn nguyện vậy”. Quan niệm này chú trọng vào tâm chí thành, nguyện tha thiết trong khi trì niệm danh hiệu Phật, nhất tâm hay không chưa phải là vấn đề quan trọng, đã khuyến tấn nhiều người phát tâm niệm Phật dù cho bản thân còn nhiều hệ lụy bởi phước mỏng nghiệp dày.
Đối với vấn đề “lão thật niệm Phật”, lão thật là rất thật thà, rất chân thật, không một mảy may nghi ngờ, toan tính hay vọng cầu. Niệm Phật với tinh thần: Chỉ cần thật thà niệm, không cần hỏi tại sao (Đán chỉ lão thật niệm, bất tất vấn như hà) chính là lão thật niệm Phật.
Niệm sâu và niệm cạn là mức độ nhất tâm của hành giả khi dụng công niệm danh hiệu Phật. Đại sư Ngẫu Ích có dạy: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Theo Đại sư: “Người đã tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật, tâm nhiều tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm hạ sinh. Tín sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật tán loạn giảm thiểu thì sinh ở hàng Hạ phẩm trung sinh. Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật lại chẳng tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm thượng sinh. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc vào ba phẩm Trung sinh. Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến tư hoặc hay Trần sa hoặc và cũng hàng phục được vô minh thì thuộc vào ba phẩm Thượng sinh. Vì thế, Tín-Nguyện trì danh niệm Phật có thể sinh trong chín phẩm, thật đích xác và rõ ràng” (Thích Định Thông, Ngẫu Ích Đại sư- Hành trạng và Pháp ngữ). Chúc các bạn tinh tấn!
Tổ tư vấn Giác Ngộ.
Hỏi:
Kính thưa Bach thầy! Con có một số điều băn khoăn xin thầy chỉ giúp. Từ nhỏ con sinh ra ở một làng quê nghèo của tỉnh Lạng Sơn, con là người dân tộc Nùng chưa từng biết đến chùa chiền, phật pháp. Khoảng năm con 15 tuổi một đêm con mơ thấy có rất nhiều yêu ma bám đuôi theo con, bầu trời nổi giông bất trọt trong lúc sợ hãi trong giác mơ con thốt lời cầu Quan Thế Âm từ bi, cứu khổ, cứu nạn…ngay lúc ấy con thấy Phật Quan Thế Âm cưỡi đám mây hồng bay đến một tay cầm bình, một tay cầm cành liễu phẩy nhẹ, bỗng xung quanh phát ra những tiếng nổ và có những tia lửa lóe lên và uêu ma tan biến. Bầu trời trở thành một mầu hồng rất đẹp, ánh hào quang tỏa ra từ phật bà khiến con ngỡ ngàng…con chưa kịp cảm ơn đưc phật thì đã choàng tỉnh (khoảng 2h sáng. Con vẫn ngỡ như đó là cảnh thực vừa xảy ra trước mắt con vậy. Đến nay con đã 37 tuổi, là công chức nhà nước rất bận rộn nhưng con vẫn canh cánh trong lòng về giác mơ đó, cách đây 2 năm có người cho con quyển Trú Đại Bi nhưng do con không có thời gian nên con đọc qua rồi lại bỏ đó. 2 tháng trước vào ngày 27/7 ngày thương binh liệt sĩ con đã phát tâm trì trú đại bi để cầu cho các vong linh liệt sĩ, tất cả các chúng sinh…và chỉ khoảng 10 ngày con đã thuộc bài trú. Từ đó mỗi tối con trì tụng trú đại bi ít nhất 5 biến. Đêm rằm tháng 7 vừa rồi con có mơ thấy cảnh tượng rất hỗn loạn, rất nhiều người tay dao, tay gậy gộc xông vào để đánh nhau rất hỗn loạn, trong giác mơ con có kêu xin Quan Thế Âm Bồ Tát cứu và chưa dứt lời con nghe thấy ai đó nói Bồ Tát đền rồi… con nhìn thấy Bồ Tát từ biển từ biển xa đền gần, đang mải nhìn ngài khi con quay lại nhìn đám người đang đang hỗn loạn, đánh nhau lúc nãy thì thật kỳ lạ, tất cả đã vứt hết vũ khí và cùng đứng chắp tay, miệng niệm nam mô a di đà phật…. đây là 2 giấc mơ rất rõ mà con không hiểu có là điềm báo gì? hay con có căn tu gì hay không? hiện con đang là công chức nhà nước, các con còn nhỏ nên con chỉ tự trì tụng tại nhà trước bàn thờ tổ tiên, không ai hướng dẫn, con trai và con gái của con còn bé nhưng thấy mẹ tụng trú đại bi nên 1 tháng trước chúng cũng tụng theo và đã thuộc, tuy nghiên con rất lo trẻ con vô tư nhiều lúc chưa thực sự nghiêm túc nên có thể mắc tội, hiện con đang lo lắng, rất mong bạch thầy chỉ giúp con con đường tu tập đúng đắn nhất cho con và các cháu. Con xin cảm ơn thầy!
Đáp:Trẻ thơ năm xưa thời Đức Phật, chúng đang chơi đùa nghịch sỏi đá, thấy mọi người cúng dường đồ ăn cho Đức Phật một cách cung kính, chúng rất hoan hỉ, trong tay chúng chẳng có gì ngoài sỏi đá, chúng bèn lấy sỏi đá chạy đến cúng dường bỏ vào bát của Đức Phật.
Chúng làm là xuất phát từ tâm chân thành, vô tư, hồn nhiên của trẻ thơ nên ko mắc tội. Bản thân người lớn chúng ta, mang tiếng cúng dường Tam Bảo, bày ra đủ thứ vật chất xa xỉ, chưa chắc gì đã có được tâm chân thành như bọn trẻ con kia.
Từ đây mà suy biết, việc con chị thuộc Chú Đại Bi là điều tốt, là Chị đã trồng thiện căn cho chúng đối với Phật pháp. Không việc gì phải lo cả.
Cái lo nhất là chính mình chẳng thể phân biệt được Thiện Ác, chẳng biết con đường giải thoát khỏi sanh tử khổ đau, đây là mối lo lớn của đời người. Chị đã có duyên đến duongvecoitinh, và có duyên với Quán Thế Âm Bồ Tát thì tất yếu sau này Chị sẽ niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ thôi, thời điểm việc này xảy đến với Chị thì ko nhất định, chỉ khi duyên chín muồi thì tự nhiên thành tựu.
Hiện tại chị thỉnh thoảng nên lên web duongvecoitinh mà đọc các bài pháp trên này sẽ được nhiều lợi ích. Chị cũng nên nghe các bài pháp sau:
1. Nhận thức Phật giáo – giúp cho chúng ta có sự hiểu biết chuẩn xác về Phật giáo:
https://www.youtube.com/watch?v=pOt1rX9oXQc
2. Liễu Phàm Tứ Huấn Đại Ý – Giúp cho chúng ta hiểu rõ phương pháp cải tạo vận mệnh và tin sâu nhân quả:
https://www.youtube.com/watch?v=-CuYzyntvKc
3. Tịnh nghiệp Tam Phước – Giúp cho chúng ta hiểu rõ về nền tảng & trình tự tu hành của người Phật tử:
https://www.youtube.com/watch?v=HyozuD9MW-U
4. Đệ Tử Quy (của Thầy Thái Lễ Húc) – Giúp cho chúng ta hiểu rõ làm một người tốt là như thế nào trước khi có thể làm một Phật tử sau đó tiến xa hơn là làm Bồ Tát hay làm Phật:
https://www.youtube.com/watch?v=6IO11tqobM8&list=PLS1qGEdEAca11615Y6oUDFRpfyxBvSjJJ
Bốn khóa trình này là đại căn bản để chúng ta chuẩn bị bước vào cửa Phật, bất kể bạn tu học theo pháp môn nào thì 4 khóa trình này nhất định mình phải thông đạt thì việc học Phật sau này của mình mới có thể có được thành tựu vì đây là nền móng của Phật pháp lẫn thế gian pháp. Bỏ qua bốn khóa trình này thì nhất định trên đường tu hành của mình sẽ có rất nhiều vấn đề, cho đến cuối cùng là chẳng thể thành tựu được đạo nghiệp.
Hi vọng với vài lời chia sẻ ở trên có thể giúp ích cho Chị được một chút.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Title : Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao?
Description : Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao? HỎI: Chúng tôi chuyên tu tập theo pháp môn Tịnh độ, niệm Thánh hiệu Phật A Di Đ...