Người Học Phật Có Nên Chọn Ngày Tốt Và Xem Phong Thủy?

Người Học Phật Có Nên Chọn Ngày Tốt Và Xem Phong Thủy?
Người Học Phật Có Nên Chọn Ngày Tốt Và Xem Phong Thủy?
Thường có rất nhiều người chọn ngày tốt, giờ tốt. Khai trương thì xem ngày tốt, giờ tốt, kết hôn thì chọn ngày tốt, giờ tốt, lại có người sinh đẻ cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, không biết họ uống nước, tiểu tiện có cần chọn ngày tốt, giờ tốt không? Người có biện pháp thì cả đến khi chết cũng có thể chọn đúng ngày tốt, giờ tốt, phút tốt, giây tốt!
Ngạn ngữ Đài Loan có câu: “Người tốt không có giờ xấu, người xấu không có ngày tốt”. Người tốt khéo dụng tâm, gặp xấu cũng hóa tốt, hòn đá ngăn chân cũng có thể được dùng làm hòn đá lót chân, cho nên người tốt không có giờ xấu. Người xấu thì không khéo dụng tâm, người khởi niệm ác thì nhân ác tự có quả ác, sóng điện phát ra không tốt thì hình ảnh đương nhiên không tốt được; cho nên người xấu không có ngày tốt. Cho nên chỉ cần chính tâm, thành ý mà làm điều tốt, không cần phải chọn ngày, giờ, ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt. Nếu tự tư buông thả ác tâm mà làm người xấu, thì dù có xem sách lịch, tốn tiền nhờ người chọn, cũng không thể chọn được giờ tốt. Vì “giờ” không phải là cái gì được ấn định, chỉ do người xem dùng như thế nào thôi. Khéo dùng “giờ”, để có thể tích lũy công đức, thì tạo ra giờ tốt; không khéo dùng “giờ”, tức là làm sai, làm xấu, đương nhiên tự tạo “giờ xấu”.
Rất nhiều người học Phật không tin “tâm pháp”, cứ theo quan niệm thế tục, cả đến niệm Phật cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, mà không biết rằng một niệm lạy Phật tức là đại thiện, đại cát, cho dù gặp việc xấu, khởi tâm lạy Phật, tâm chuyển thì cảnh chuyển, xấu cũng biến thành tốt. “Giờ tốt” nên lạy Phật tự nhiên là đúng; “giờ xấu” không lạy Phật, có thay đổi được gì? Cho nên bất kể giờ nào, lạy Phật thì tốt.
Rất nhiều người niệm Phật thường tin cả tướng số, phong thủy, địa lý, thậm chí tin luôn cả những lời phịa đặt ngoài đường, rồi theo đó mà truyền bá. Loại “tin thêm” như vậy thật ra là niềm tin không chính đáng. Chúng ta không phủ nhận số mạng có thể tính toán được, nhưng tính toán như thế nào? Vì có “phép tắc nhân quả”, cho nên từ “nhân” trong quá khứ, có thể dự tính “quả” trong tương lai, cũng như người nông dân do sự gieo trồng, thời tiết mà dự tính việc thu hoạch. Nhưng cũng vì phép tắc nhân quả, cho nên số mạng có thể cải biến, cải biến nhân duyên thì có thể cải biến kết quả. Chúng ta niệm Phật tức là đang cải biến nguyên nhân; nguyên nhân chủ yếu nhất của vận mạng tức là “tâm niệm”, cải biến tâm niệm tức là cải biến ngôn ngữ, thái độ. Chúng ta chớ xem thường cải biến một câu trả lời và một thái độ thì vận mạng sẽ cải biến. Nếu không tin chúng ta có thể thí nghiệm. Khi cấp trên phê phán bạn, bằng thái độ thành khẩn, bạn nói: “xin lỗi, vậy là tôi sai, cảm ơn ông đã chỉ bảo, tôi sẽ nỗ lực cải tiến.” Hoặc ngẩng đầu chu mồm bực bội mà nói: “Tôi đã làm hết sức, nếu không ông cứ tự làm thử xem, ông làm cũng không tốt gì đâu!” hai loại tâm niệm, ngôn ngữ không giống nhau, chỉ trong chớp mắt có thể quyết định hai vận mạng không giống nhau. Cho nên nói, mạng do tâm tạo, tướng theo tâm mà chuyển, cũng chính là vì có thể tạo, có thể chuyển, tu hành niệm Phật thì mới có ý nghĩa, nếu không thì tất cả đều là định số, không có chỗ nào để cải biến, thế thì tu hành thật là vô ích. Một nơi có hoàn cảnh đẹp đẽ, phong tốt, thủy tốt, nếu người không có tâm công đức ở, vứt rác bừa bãi, làm ô nhiễm không khí, nguồn nước lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu… thì chẳng bao lâu, phong thủy tốt đẹp sẽ bị phá hoại hết.
Trái lại, một nơi có phong thủy bình thường, nếu người có tâm công đức ở, hiểu biết cách giữ gìn bảo quản đất đai, chỗ nào cũng hành thiện tích đức, cảm hóa bốn bề lân cận, lâu ngày từ trường tất nhiên sẽ được cải biến, phong thủy cũng trở nên tốt. Cho nên nói, đất phước thì người phước ở, người phước thì ở đất phước.
Một căn nhà trống dùng làm quán rượu, vũ trường và dùng để làm đạo tràng, do tâm cảnh ý niệm của người tham gia không giống nhau, nên sóng điện phát ra không giống nhau, đương nhiên từ trường không giống nhau, đó gọi là “phong thủy” có khác nhau. Còn truy cứu nguyên nhân của phong thủy thì chính là ý niệm của tâm người (sóng điện, từ trường). Cho nên không cần nhờ người xem phong thủy, tâm niện mà tốt đẹp, thì từ trường phong thủy cảm ứng tốt đẹp. Tâm niệm không tốt thì dù phong thủy có tốt, cũng rất mau bị phá hoại.
Thật ra, rất nhiều chùa chiền được xây dựng ở nơi phong thủy tốt nhất, nhưng nhiều người ở không được, họ muốn đến vui chơi ở những nơi bài bạc có phong thủy xấu nhất, có sắc tình đen tối, hoặc nơi không khí bị ô nhiễm nhất; họ không quen với phong thủy tốt. Người đời phần lớn tin vào các thầy phong thủy, hễ “mai táng” thì nhất định phải chọn phong thủy, con cháu thì ích kỷ, mong các bậc tôn trưởng được chôn ở nơi phong thủy có lợi nhất cho mình, mà không quan tâm vong hồn rốt ráo có được an lạc giải thoát hay không. Mọi người đều tin rằng phong thủy của tổ tiên ảnh hưởng đến mình, rất ít người phản tỉnh kiểm thảo xem sự vận hành của tâm mình có ảnh hưởng đến tổ tiên hay không? Có khiến tổ tiên bị hổ thẹn hay không? Có khiến phong thủy trở thành hư hoại không? Mọi người chịu phí tiền mời người xem phong thủy mà lại không chịu “tu tâm” để cải biến phong thủy (không phải tốn tiền!) có khi chúng ta nói đùa: nếu phong thủy có ảnh hưởng quyết định và các thầy phong thủy có thể tìm được “phong thủy tốt” thì như thế các thầy phong thủy có thể theo ước muốn của mình mà làm vua, tổng thống hoặc đời đời đều có trạng nguyên giàu sang, phú quý, đức độ, tài năng thì mới đúng. Nhưng sự việc lại không như vậy! Điều này đáng được suy nghĩ kỹ.
Có lần, tôi có hỏi những người quá coi trọng phong thủy: “Khi phải mai táng di thể, các vị thường chú ý đến phong thủy, thời gian hạ huyệt, phương hướng mồ mả… lại còn muốn xem có xung, sát hay không? Tôi xin hỏi: khi các vị ăn thịt, các vị có xem phong thủy không? Vì thịt tức là xác chết, chôn xác chết có sức ảnh hưởng lớn như thế thì khi chôn thịt trong bao tử cũng phải xem phong thủy có thỏa đáng hay không, nếu không thì lỡ ra giờ khắc không đúng, há chẳng phải bị xung sát hay sao?” Tủ lạnh ở siêu thị, chợ bán thức ăn có nhiều “xác chết” như thế, người qua lại rộn rịp, sao lại không xung sát? Cũng chẳng có ai quan tâm đến cái phong thủy ấy có ảnh hưởng gì đến mình. Quả là xem trọng cái ăn thì quên đo phong thủy.
Hai vợ chồng cư sĩ họ Lâm nói với chúng tôi rằng có một thầy tướng số bảo họ rằng vào năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy, hãy mua 12 cây chổi về nhà quét đất, quét xong thì để chổi tại hướng ấy, sau đó vứt chổi xuống biển thì tiền bạc sẽ dồi dào như nước biển, và họ sẽ trở thành “người giàu nhất khu phố”. Họ nghe xong liền cười mà đáp: “Chúng tôi đã là kẻ giàu nhất khu phố, vì chúng tôi đã có Phật pháp.” Chúng tôi nói: “Tốt đấy các vị không chịu mua chổi quét như lời ông ta, nếu không thì nghe Phật pháp cũng vô ích!”
Hãy nghĩ xem nếu như phương pháp ấy có hiệu quả, thì há chẳng phải ông ta sẽ sớm trở thành người giàu nhất thế giới sao? Sự hữu hiệu duy nhất của phương pháp ấy đại khái là xúc tiến việc tiêu thụ chổi!
Ông thầy tướng số còn bảo vào giờ ấy, đi theo hướng ấy, đeo ở ngón thứ tư của bàn tay trái một chiếc nhẫn vàng ròng, mặt nhẫn là đá quý màu đen tuyền, như thế mới có thể tránh được xe cộ. Cũng may là cư sĩ họ Lâm có niềm tin chân chính: “tôi niệm A Di Đà Phật thì hữu hiệu hơn đeo nhẫn.” Vì tai nạn xe và “giác tính” hiện nay rất có quan hệ, nếu tâm niệm Phật rõ ràng minh bạch, quang minh, thanh tịnh thì hiển nhiên có thể xa rời tai họa. Nếu đeo nhẫn mà ngủ gật thì không thể an toàn! Nếu không giữ luật đi đường thì lại càng nguy hiểm!
Nhưng chúng tôi hỏi rất nhiều vị cư sĩ thì phần lớn họ không có niềm tin giống như cư sĩ họ Lâm, họ nghe thầy tướng số nói như vậy, sợ tai nạn xe cộ nên chịu tin mà đeo loại nhẫn ấy. Sự tin tưởng này của họ càng biểu lộ họ thiếu niềm tin chân chính đối với Phật pháp, cũng không hiểu ý nghĩa của vạn pháp chỉ do tâm tạo, lại càng chứng tỏ tầm họ cho rằng sức mạnh của việc niệm Phật không bằng sức mạnh của một chiếc nhẫn, uy lực của Đức Phật A Di Đà không bằng uy lực của thầy tướng số. Quả là xem thường Phật pháp!
Trên đây có vẻ chỉ một số chuyện nhỏ: đeo nhẫn, vứt mấy bồn hoa kiểng, xem phong thủy phải chọn ngày tốt, nếu xét cái tâm lý nội tại thì thiếu tín tâm đối với Phật lại là một việc lớn ảnh hưởng đến vãng sanh, hãy cẩn thận kiểm thảo, phản tỉnh về “tín’ và “nguyện’.
Trích Liên Hoa Hóa Sanh
Pháp sư Đạo Chứng
Dịch Giả: Trần Tuấn Mẫn
Title : Người Học Phật Có Nên Chọn Ngày Tốt Và Xem Phong Thủy?
Description : Người Học Phật Có Nên Chọn Ngày Tốt Và Xem Phong Thủy? Thường có rất nhiều người chọn ngày tốt, giờ tốt. Khai trương thì xem ngày tốt, ...