Lời dạy sau cùng của Đức Phật

Hãy tự mình tìm ra chân lý
Lời dạy sau cùng của Đức Phật
1. Dưới gốc bồ đề ở Kusinagara, trong lời dạy sau cùng của Ngài với các môn đệ, Đức Phật dạy:
“Hãy tự mình tìm ra chân lý. Hãy dựa vào chính mình, không nên dựa vào người khác. Hãy làm cho lời dạy của ta trở thành chân lý của các con. Hãy dựa vào lời dạy ấy, không nên dựa vào chân lý nào khác.
Hãy nghĩ đến thể xác của các con. Hãy nghĩ đến sự ô uế. Biết rằng cả đau khổ lẫn thích thú cũng đều là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, thế các con làm sao nuông chiều mình trong những ham muốn của thể xác? Các con hãy nghĩ đến bản thân, hãy nghĩ đến tính phù du của nó, làm cách nào các con có thể rơi vào ảo tưởng về nó, nuôi dưỡng lòng tự phụ và ích kỷ, biết rằng tất cả đều kết thúc bằng đau khổ không thể tránh được? Hãy nghĩ đến tất cả vật chất, các con có thể tìm thấy trong đó có ‘bản ngã’ nào lâu bền? Có phải sớm muộn gì tất cả khối kết tập ấy sẽ tan rã và phân tán? Các con đừng nên nhầm lẫn về tính phổ biến của sự đau khổ, hãy nghe theo lời ta dạy, thậm chí sau khi ta mất, các con vẫn thoát khỏi đau khổ. Làm đúng theo điều này các con mới thật sự là môn đệ của ta.”
2. “Hỡi các môn đệ, lời ta giảng cho các con nghe không nên quên lãng hay từ bỏ, phải trân trọng, phải suy nghĩ và phải thực hành những lời dạy ấy. Nếu các con theo những lời dạy này lúc nào các con cũng hạnh phúc.
Điểm chính trong lời dạy là phải kiểm soát tâm trí của chính mình. Hãy giữ tâm trí mìnhtránh sự tham lam, hãy giữ cho hành vi được ngay thẳng, hãy giữ cho tâm luôn thanh tịnh và lời nói trung thực. Bằng cách luôn nghĩ về tính phù du của cuộc sống, các con có thể kiềm chế lòng tham và giận dữ, và sẽ có khả năng tránh được mọi điều xấu.
Nếu các con nhận thấy tâm trí mình bị lòng tham cám dỗ và làm bối rối, các con phải kiềm chế và kiểm soát cám dỗ ấy, hãy làm chủ tâm trí của chính mình.
Tâm trí một người có thể làm cho mình trở thành Phật, hoặc trở thành súc vật. Bị sai lầm làm cho mê muội, người ta sẽ trở thành quỹ dữ, được giác ngộ người ta sẽ trở thành Phật. Vì thế, hãy kiểm soát tâm trí của các con và đừng để cho tâm trí đi lệch khỏi chánh đạo.”
3. “Các con nên kính trọng lẫn nhau, hãy nghe theo lời ta dạy, và kiềm chế không nên tranh chấp; các con không nên tranh nhau như nước với lửa, mà nên hòa hợp với nhau như sữa với nước. Hãy cùng nhau tìm hiểu, hãy cùng nhau nghiên cứu, hãy cùng nhau thực hành lời ta dạy. Đừng lãng phí thời gian và tâm trí vào sự vu vơ, sanh sự. Hãy thưởng thức những đóa hoa Giác ngộ đang nở rộ theo mùa và gặt hái quả từ con đường chánh đạo.
Lời ta giảng cho các con nghe, ta có được khi theo con đường của chính mình. Các con nên nghe theo những lời dạy này và làm cho phù hợp với tinh thần lời dạy ấy trong từng thời điểm.
Nếu các con xao lãng những lời dạy ấy, có nghĩa là các con chưa hề nhìn thấy ta. Có nghĩa là các con đang ở xa ta, cho dù các con thật sự đang ở bên ta; nhưng nếu các con chấp nhận và thực hành lời ta dạy, thì khi đó các con rất gần ta, cho dù các con đang ở cách xa ta.”
4. “Hỡi các môn đệ, kết thúc của ta đang đến gần, sự chia xa của chúng ta đang đến gần, nhưng không nên ai oán. Cuộc sống luôn thay đổi không ngừng; không ai có thể thoát sự phân rã của thể xác. Lúc này bằng cái chết của ta, ta chứng minh điều này.
Không nên khóc than hoài công vô ích, mà phải nhận biết rằng không có gì là vĩnh cửu và phải hiểu sự trống rỗng trong đời người. Không nên ấp ủ ham muốn không đáng giá rằng cái khả biến sẽ trở thành cái bất biến.
Quỷ dữ lòng ham muốn trần tục luôn tìm cơ hội để đánh lừa tâm trí. Nếu có rắn bò vào phòng, các con muốn có được yên giấc, thì trước hết phải đuổi rắn ra ngoài.
Các con phải bẽ gãy gông cùm đam mê trần thế và xua đuổi nó giống như đuổi rắn. Các con phải tích cực bảo vệ tâm trí của chính mình.”
5. “Hỡi các môn đệ, thời khắc cuối cùng của ta đã đến, nhưng các con không được quên rằng cái chết chỉ là sự kết thúc thể xác hữu hình. Thể xác do cha mẹ sinh ra và được nuôi dưỡng bằng thức ăn, nên bệnh tật và cái chết không thể tránh khỏi.
Nhưng Đức Phật thật sự không phải là thể xác con người, đó là sự Giác ngộ. Thể xác con người phải chết, nhưng Trí tuệ Giác ngộ sẽ mãi tồn tại trong chân lý của Dharma, và trong thực hành Dharma. Người nào chỉ nhìn thấy thể xác của ta thật sự chưa nhìn thấy ta. Chỉ có người nào chấp nhận những lời ta dạy mới thật sự nhìn thấy ta.
Sau khi ta chết, Dharma sẽ là thầy của các con. Hãy nghe theo Dharma, là các con trung thành với ta. Trong 45 năm cuối đời, ta không giấu điều gì từ lời ta dạy, không có lời dạy bí truyền, không có ý nghĩa che giấu, mọi thứ đều được giảng công khai, rõ ràng. Hỡi các môn đệ, đây là kết thúc. Trong khoảnh khắc nữa thôi, ta sẽ đi vào cõi Niết bàn. Đây là lời dạy của ta.”
Title : Lời dạy sau cùng của Đức Phật
Description : Lời dạy sau cùng của Đức Phật 1. Dưới gốc bồ đề ở Kusinagara, trong  lời dạy  sau cùng của Ngài với các môn đệ, Đức Phật dạy: “Hãy ...