Ðâu Nguồn Hạnh Phúc

Ðâu Nguồn Hạnh Phúc 
********************************************* 
Ðâu Nguồn Hạnh Phúc
Ðâu Nguồn Hạnh Phúc 
Ánh tà dương dịu sáng, vui tươi, lan rộng giữa khoảng trời xuân êm ả. Gió muôn phương thổi lại, đem hương hoa về ướp thơm cảnh vật nơi vùng tịnh xá Kỳ Hoàn. Cỏ cây lành mạc đượm vẻ thái bình, thanh tịnh trong buổi chiều hôm. Ðó đây vài làn khói lam uốn éo vươn mình trên mấy túp lều tranh cũ kỹ. Xa xa một đỉnh núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn đội xấp xỏa lùm cây trắng trông giống như ông lão bạc đầu.
Giữa khung cảnh thiên nhiên vừa êm đềm, vừa ẩn vẻ hùng tráng ấy, bốn thầy Sa môn cùng ngồi đàm luận dưới gốc cây cổ thụ. Trời xuân tươi đẹp như dục khách sanh tình, một vị bổng lên tiếng bảo: “Này các huynh đạo: thử nghiệm xem trong đời có điều chi đáng yêu và vui thích nhất?”. Nghe lời ấy ba vị đều tỏ vẻ tán thành, nói tiếp: “Hay lắm, chúng ta mỗi người nên suy nghĩ, rồi đưa ý kiến ra để giải đáp câu hỏi này, xem đằng nào hơn?”.
Sau vài phút trầm ngâm, vị thứ nhất bảo: “Vào tiết trong xuân, cây cỏ khoe tươi, muôn hoa cười nụ, tiếng chim líu lo trên cành bích, hương thanh phảng phất khắp nơi, phong cảnh thật là đẹp! Trong lúc ấy ví ta được thả thuyền nhẹ theo giòng nước hay mang theo bầu rượu đến sườn non, chắc trong đời không chi thú bằng!”.
Vị thứ hai đáp: “Cảnh gia đình sum họp vẫn là vui. Nhưng nếu thêm vào đấy những thức ngon, rượu quí, và tiếng sinh ca khoan nhặt lẫn trong tình thân mật, nét hân hoan thì tôi thiết tưởng hạnh phúc trên đời chỉ trong ngần ấy!”.
Vị thứ ba nói: “Tôi thấy: nếu ta được sinh trong dòng tôn quý giàu sang, ở lầu cao nhà rộng, sẵn tiền bạc nhiều ta muốn sắm món gì cũng tùy thích. Khi ra đường ta phục sức cực kỳ xinh đẹp, xuống ngựa lên xe. Lúc nào nhà ta gọi đến, lắm kẻ kính thưa hầu hạ. Trong cảnh đó thử hỏi còn chi hơn? Theo ý tôi đó là thú vui độc nhất”.
Vị thứ tư lại bảo: “Giữa đời, tiền bạc, quyền tước có lẽ còn dễ tìm hơn giai nhân. Riêng về tôi, người nào có được ba nàng hầu tuyệt sắc, kẻ ấy chưa chắc vua chúa sánh bằng! Còn thú gì vui hơn: Khi ngắm nét hoa tươi đẹp, bâng khuân dường lạc non hồng; lúc nghe giọng hát du dương; ngơ ngẩn như vào động bích. Lại còn lúc khi cùng người ngọc bàn câu phong tuyệt, cạn chén đồng tâm, chắc rằng hạnh phúc giữa trần hòan không qua mấy điều tôi đã kể”. Sau khi tỏ bày ý kiến, bốn vị đều cho chỗ nhận xét của mình là đúng, cùng nhau tranh luận phân vân.
Bấy giờ, cách đấy không xa, Ðức Phật đang đi kinh hành xung quanh Kỳ Hoàn tịnh xá. Nghe mấy lời ấy, Ngài động lòng thương xót, liền bước đến hỏi: “Các ông bàn luận chuyện gì thế?”. Bốn vị Tỳ kheo không dám che giấu, phải đem sự thật thưa lên. Ðức Phật bảo: “Những lời mà các ông vừa nói, đều là đường lối đi vào sự lo sợ, đau buồn không phải hạnh phúc lâu dài, chân thật, vì sao? - cảnh vật dù tươi đẹp trong mùa xuân, nhưng sang thu đông là phải tàn tạ héo khô. Thân quyến tuy sum họp vui cười, song có lúc đau khổ vì sinh ly tử biệt. Tiền của, ngựa xe là những vật không lâu bền, và khi chết ta không thể đem theo. Ðến như sắc dục là một mối nguy vô cùng nó làm cho con người thân thể suy mòn, tinh thần mờ mệt. Những cảnh hư nhà, mất nước đều từ ấy sinh ra. Tóm lại bao thú vui các ông vừa kể, đã mong manh ngắn ngủi, lại chính là nguyên nhân cho sự luân hồi đau khổ về sau. Chỉ có cảnh niết bàn là sáng suốt, thường còn, an vui, trong sạch. Ðấy mới chính là nguồn hạnh phúc chân thật lâu dài. Là Sa môn đã lánh trần tìm đạo, các ông đừng để cho sự vui giả dối ám ảnh, mà tiến theo con đường chân chánh, sáng suốt của mình”.
Tiếp theo mấy lời ấy, Ðức Phật lại nói kệ rằng:
Thương mừng sinh lo
Thương mừng sinh sợ
Biết rõ thương mừng
Ðâu còn lo sợ?
Ái dục sinh lo
Ái dục sinh sợ
Nếu không Ái dục
Ðâu còn lo sợ?
Ham muốn sinh lo
Ham muốn sinh sợ
Nếu không ham muốn
Ðâu còn lo sơ?
Ưa pháp trong sạch
Lòng thành, biết thẹn
Sửa mình gần đạo
Ðược chúng yên mến
Xa lìa thị dục
Nghĩ rồi mới nói
Lòng không tham ái
Sẽ thoát luân hồi
Ðức Phật lại bảo bốn vị Tỳ kheo: “Về kiếp trước có vị vua tên Phổ An, kết bạn với bốn ông vua bên nước láng giềng… Một hôm, vua Phổ An mời bốn ông bạn sang nước mình hội yến. Tiệc hoa kéo dài đến tận bốn tháng, tiếng ca nhạc, thức lạ ngon, đã làm cho tình thân hữu càng thêm đậm đà, khắng khít. Ðến ngày chia tay, vua Phổ An hỏi bốn bạn rằng: “Trên đời có thú chi vui nhất?” Bốn vị quốc vương đều theo chỗ ưa thích, tuần tự đưa ra mấy điểm sau này: Cuộc dạo chơi – Gia đình sum họp – Giàu sang - Sắc dục. Vua Phổ An nói: “Theo ý kiến tôi, những điều các ông bàn luận, đều là thú vui mong manh và nguyên nhân đau khổ, chỉ có đạo vô vi trong sạch là vui”.
Này các Tỳ kheo! “Vua Phổ An thuở trước chính là thân ta ngày nay; bốn vị quốc vương kia là tiền thân các ông đấy. Kiếp xưa ta đã giải rõ sự vui khổ, mà các ông còn chưa hiểu, nên mới trôi lăn mãi trong biển sanh tử cho đến đời nay. Nếu hôm nay các ông lại không cố gắng tu tỉnh thì bánh xe sống thác khổ đau chưa biết bao giờ dừng nghĩ”.
Nghe Ðức Phật nói, bốn vị Tỳ kheo hổ thẹn, sám hối khói tham dục tiêu tan, gương lòng lặng yên, trong sạch. Khi Ðức Phật trở ngót bước đi, không ai bảo ai, bốn người đều ngồi thẳng mình, để tâm vào cõi thanh nhàn, vắng lặng…
Chiều dương từ từ đi thẳng xuống phương đoài xa thẳm. Dạ thần cũng bắt đầu rủ màn âm u trên vạn vật. Giữa khoảng trống của hai quả núi bên chân trời tây, bỗng lộ ra nhiều vệt mây hồng rực rỡ, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo, thiên thần. Cùng trong lúc ấy, khi ánh sáng đời sắp tắt, ánh sáng đạo lại bật chiếu nơi tâm của bốn vị Tỳ kheo. Trong một buổi chiều xuân, họ đã tìm thấy nguồn hạnh phúc khơi dòng trong cảnh trời xuân bất diệt - trời xuân của ly dục và thanh đạm.
Thuật giả: Trí Hiền
Có thì sẽ mất
Giàu sang sẽ nghèo hèn
Tụ hội sẽ phân ly
Mạnh khỏe rồi sẽ đau chết
TRUYỆN CỔ PHẬT GIÁO
Thích Minh Chiếu Sưu Tập
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành 1992-1994
Title : Ðâu Nguồn Hạnh Phúc
Description : Ðâu Nguồn Hạnh Phúc  *********************************************   Ðâu Nguồn Hạnh Phúc  Ánh tà dương dịu sáng, vui tươi, lan rộn...